Blue ocean

Gửi câu hỏi trực tuyến

Họ tên
Điện thoại
Email
Câu hỏi

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC YÊU CẦU HỦY VIỆC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN TRÁI QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

09/08/2021 21:10

Đăng ký kết hôn là điều kiện cần và cơ sở quan trọng để đảm bảo quyền, lợi ích của hai bên nam nữ khi quyết định gắn kết tạo thành một gia đình. Tuy nhiên, vì nhiều lí do nên vẫn có những trường hợp kết hôn trái pháp luật. Vậy trình tự, thủ tục và ai là người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật như thế nào? Công ty Luật Hợp danh Đại An Phát sẽ đề cập trong bài viết dưới đấy.

I. Cơ sở pháp lý

- Luật Tố tụng Dân sự 2015;
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của luật hôn nhân và gia đình.

II. Tư vấn của Luật sư

Đăng ký kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình tại thời điểm đăng ký kết hôn. Vì nhiều lí do, vẫn tồn tại nhiều trường hợp đăng ký kết hôn trái pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích của người kết hôn, lợi ích của gia đình và xã hội. Việc kết hôn trái pháp luật sẽ bị hủy theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình, đây là biện pháp chế tài thể hiện thái độ của Nhà nước về việc không thừa nhận giá trị pháp lý của quan hệ hôn nhân trái pháp luật góp phần đảm bảo cho các điều kiện kết hôn được tuân thủ một cách chặt chẽ.
Do vậy, khi có căn cứ và có thể chứng minh việc đăng ký kết hôn của hai bên nam nữ không đáp ứng các yêu cầu ở trên, cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, cụ thể như sau:

1. Căn cứ xác định việc kết hôn trái pháp luật

Theo quy định tại điều 8, luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì việc đăng ký kết hôn cần đảm bảo các điều kiện sau:
  • Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
  • Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
  • Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
  • Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Về các điều kiện ở trên có thể hiểu như sau:
  • Về năng lực hành vi dân sự và độ tuổi: Hai bên nam và nữ phải có năng lực hành vi dân sự và đủ tuổi đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật;
  • Về ý chí và sự tự nguyện: Việc đăng ký kết hôn do hai bên nam nữ đồng thuận và tự nguyện, không bị ảnh hưởng do sự cưỡng ép, tác động từ một bên hoặc bên ngoài.
  • Không thuộc các trường hợp bị cấm kết hôn, gồm:
  • Kết hôn giả tạo;
  • Tảo hôn;
  • Kết hôn với người đang có vợ hoặc có chồng;
  • Kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng

2. Quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định những người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, cụ thể:
1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:
a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Qua đó có thể thấy, phạm vi của người có quyền được yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật rất rộng. Quan hệ hôn nhân là mối quan hệ giữa hai bên nam – nữ, tuy nhiên đối với việc yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật được mở rộng đối với cá nhân, cơ quan và tổ chức khác khi phát hiện và có yêu cầu xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kết hôn.

3. Thủ tục giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật
Khi phát hiện và có cơ sở để chứng minh việc kết hôn trái pháp luật, những người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật đã nêu ở trên có thể làm đơn yêu cầu Tòa án cấp huyện nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật được thực hiện để yêu cầu giải quyết theo quy định tại điểm g khoản 2 điều 39 Luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ. Đơn yêu cầu hủy việc đăng ký kết hôn cần phải đủ các nội dung theo quy định tại khoản 2 điều 362 của luật này.
Hồ sơ gồm có:
  • Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự (Bạn có thể tham khảo mẫu đơn tại đây);
  • CMND + Sổ hộ khẩu của người yêu cầu;
  • Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (Bản chính /Bản sao);
  • Các giấy tờ, tài liệu chứng minh việc kết hôn trái pháp luật.
Thời hạn giải quyết: 02 tháng kể từ ngày Tòa án ra thông báo thụ lý đơn.
Lưu ý: Khi xử lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, Tòa án sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình có hiệu lực tại thời điểm xác lập quan hệ hôn nhân để xác định việc kết hôn có trái pháp luật hay không. 
4. Hậu quả pháp lý khi hủy việc kết hôn trái pháp luật
Theo quy định của điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014; Thông tư liên tịch số Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của luật hôn nhân và gia đình, khi nhận yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật Tòa án sẽ căn cứ vào  yêu cầu của đương sự và điều kiện kết hôn, điều kiện công nhận quan hệ hôn nhân quy định tại Điều 8 và Điều 11 của Luật hôn nhân và gia đình để giải quyết, cụ thể như sau:
- Tại thời điểm kết hôn, 2 bên không đủ điều kiện kết hôn nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật:
  • Nếu hai bên kết hôn cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên kết hôn có đủ điều kiện kết hôn.
  • Nếu một hoặc hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc có một bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia không có yêu cầu thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật. Trường hợp có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết thì quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm kết hôn đến thời điểm hủy việc kết hôn trái pháp luật được giải quyết theo quy định tại Điều 12 của Luật hôn nhân và gia đình.
  • Trường hợp hai bên cùng yêu cầu Tòa án cho ly hôn hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trường hợp này, quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con từ thời điểm kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm kết hôn đến trước thời điểm đủ điều kiện kết hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm đủ điều kiện kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 59 của Luật hôn nhân và gia đình.
- Trường hợp hai bên đã đăng ký kết hôn nhưng tại thời điểm Tòa án giải quyết hai bên kết hôn vẫn không có đủ các điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình thì thực hiện như sau:
  • Nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật;
  • Nếu một hoặc cả hai bên yêu cầu ly hôn hoặc yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án bác yêu cầu của họ và quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Đối với trường hợp này Tòa án áp dụng quy định tại Điều 12 của Luật hôn nhân và gia đình để giải quyết hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật.
Trên đây là những quy định của pháp luật về vấn đề yêu cầu hủy việc đăng ký kết hôn trái quy định của pháp luật, để được hỗ trợ trực tiếp xin liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ĐẠI AN PHÁT
Số điện thoại: 024.39.184.888/0973.509.636/0989.422.798
Email: luatdaianphat@gmail.com  
Trân trọng!
Gửi yêu cầu dịch vụ
Đăng ký dịch vụ ngay