Blue ocean

Gửi câu hỏi trực tuyến

Họ tên
Điện thoại
Email
Câu hỏi

THỪA KẾ THẾ VỊ THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH CỦA VIỆT NAM

18/08/2021 20:44

Thừa kế được hiểu là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết sang cho người còn sống qua sự định đoạt của chính họ bằng di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Thông thường, những người được hưởng di sản thừa kế sẽ được xác định theo di chúc hoặc được xác định dựa vào hàng thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự và hàng thừa kế thứ 1 luôn được xét đến trước tiên khi tiến hành chia di sản thừa kế.

Tuy nhiên có một vài trường hợp đặc biệt mà cháu – thuộc hàng thừa kế thứ hai lại được hưởng di sản thừa kế từ ông bà khi vẫn còn những người ở hàng thừa kế thứ nhất, đây là thừa kế thế vị - 1 trường hợp thừa kế đặc biệt chỉ xảy ra khi có đầy đủ những điều kiện theo quy định của pháp luật. Vậy pháp luật Việt Nam có quy định như thế nào về thừa kế thế vị? Vấn đề này sẽ được Luật Đại An Phát đưa ra trong bài viết dưới đây:

1. Căn cứ pháp lý

- Bộ luật Dân sự 2015;
- Luật Nuôi con nuôi 2010.

2. Tư vấn của Luật sư

Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế thế vị tại điều 652 như sau: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
Từ đó, có thể hiểu trong thừa kế thế vị thì:
  • Người được thế vị: là con của người để lại di sản đã chết trước hoặc chết cùng 1 thời điểm với người để lại di sản;
  • Người thế vị: cháu hoặc chắt (nếu người cháu đã chết trước hoặc cùng với người để lại di sản) được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ được hưởng nếu còn sống.
 Do đó, trường hợp thừa kế thế vị sẽ phát sinh khi có các điều kiện sau:
  • Thứ nhất, thừa kế thế vị chỉ đặt ra khi hàng thừa kế thứ nhất của người đã chết vẫn còn những người khác: Bởi nếu hàng thừa kế thứ nhất đã chết hết thì cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại – một trong những người thuộc hàng thừa kế thứ 2 sẽ trực tiếp được hưởng thừa kế.
  • Thứ hai, người được thế vị phải chết trước hoặc cùng lúc với người để lại di sản thừa kế: Trong trường hợp người con chết sau người để lại di sản thì quyền thừa kế của người con này vẫn được công nhận và việc chia di sản này sẽ chia theo hàng thừa kế chứ không đặt ra vấn đề thừa kế thế vị;
  • Thứ ba, người được thế vị phải là người con có đủ điều kiện hưởng thừa kế của người đã chết và không thuộc các trường hợp quy định tại điều 621 Bộ luật Dân sự 2015: Do đó nếu người con đã chết cùng lúc với bố, mẹ thuộc những trường hợp không được hưởng di sản thừa kế theo quy định tại điều 621 thì những người thế vị của họ cũng sẽ không được hưởng di sản thừa kế.

Thừa kế thế vị ngoài mối quan hệ có quan hệ dòng máu trực hệ (con đẻ, cháu ruột) thì Bộ luật Dân sự còn quy định về thừa kế thế vị trong mối quan hệ giữa cha nuôi, mẹ nuôi – con nuôi theo quy định tại điều 653 BLDS 2015 và mối quan hệ bố dượng, mẹ kế - con riêng theo quy định tại điều 654, cụ thể như sau:
  • Điều 653. Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này”.
  • Điều 654. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này”.
Tuy nhiên thừa kế thế vị trong các trường hợp quy định tại điều 653 BLDS và điều 654 BLDS nói trên còn rất nhiều quan điểm xoay quanh vấn đề này. Bởi lẽ bản chất của thừa kế thế vị là việc người con thay thế vào vị trí của bố mẹ mình để hưởng phần di sản mà đáng lẽ nếu còn sống bố mẹ của người đó sẽ được hưởng, và một trong những ý nghĩa quan trọng của thừa kế thế vị là bảo đảm quyền được nhận di sản của những người thân thuộc nhất đối với người để lại di sản. Nhưng trong trường hợp nhận nuôi con nuôi hoặc con riêng của vợ/chồng thì quan hệ giữa những người con nuôi/ người con riêng với bố mẹ của người nhận con nuôi/ bố, mẹ của cha dượng/bố mẹ của mẹ kế (tức là ông, bà nội, ngoại) để có mối quan hệ thân thiết thì phải có 1 quá trình gắn bó và công nhận. Vì vậy khi xảy ra các tranh chấp liên quan đến thừa kế thế vị trong trường hợp này ngoài các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp để chứng minh mối quan hệ cha, mẹ nuôi – con nuôi; chứng minh việc chăm sóc, nuôi dưỡng trong mối quan hệ cha dượng, mẹ kế - con riêng thì còn phải phụ thuộc vào chứng cứ chứng minh mà các bên đưa ra, dựa trên thực tế Tòa án sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng.
Trên đây là những nội dung liên quan đến vấn đề thừa kế thế vị theo quy định của pháp luật Việt Nam, mặc dù còn nhiều vướng mắc nhưng có thể thấy đây là quy định phù hợp với đạo lí và thực tiễn ở nước ta hiện nay. Để được tư vấn và hỗ trợ trực tiếp, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ĐẠI AN PHÁT
Số điện thoại: 024.39.184.888/0973.509.636/0989.422.798
Email: luatdaianphat@gmail.com  
Trân trọng!
Gửi yêu cầu dịch vụ
Đăng ký dịch vụ ngay