Blue ocean

Gửi câu hỏi trực tuyến

Họ tên
Điện thoại
Email
Câu hỏi

LY HÔN ĐƠN PHƯƠNG KHI MỘT BÊN LÀ NGƯỜI VIỆT NAM ĐANG SINH SỐNG Ở NƯỚC NGOÀI

05/08/2021 00:35

Hiện nay, các vụ việc ly hôn chi chồng hoặc vợ đang ở nước ngoài đang ngày càng nhiều. Việc một bên đang ở nước ngoài sống và làm việc gây ra nhiều khó khăn trong việc giải quyết ly hôn. Trong bài viết này, Luật Đại An Phát sẽ giải đáp thắc mắc cho mọi người về một số vấn đề liên quan đến việc giải quyết ly hôn đơn phương khi một bên là người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.

  1. Căn cứ pháp lý

- Căn cứ vào Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình
- Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình;
  1. Căn cứ ly hôn đơn phương

Theo quy định tại Điều 56 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về Ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:
  • Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
  • Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
  • Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
  1. Thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Theo quy định tại Bộ Luật tố tụng Dân sự 2015 có quy định về thẩm quyền giải quyết của Tòa án khi có yếu tố nước ngoài như sau:
  • Theo khoản 3 Điều 35 và Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 Tòa án nhân dân cấp tỉnh là nơi có thẩm quyền giải quyết. Người yêu cầu ly hôn sẽ nộp đơn tại Tòa án cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng tại Việt Nam của vợ/chồng trước khi xuất cảnh.
  • Nếu việc ly hôn diễn ra với công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, thì thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện, Theo khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
  1. Hồ sơ ly hôn khi vợ hoặc chồng là người nước ngoài

Vợ/chồng yêu cầu ly hôn nộp hồ sơ gồm những giấy tờ dưới đây:
- Đơn xin ly hôn;
- Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu; Hộ khẩu (bản sao chứng thực).
- Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có con).
- Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia tài sản).
- Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (nếu có).
  1. Trình tự thủ tục ly hôn

Bước 1: Người xin ly hôn gửi bộ hồ sơ xin ly hôn tới Tòa án có thẩm quyền giải quyết
Bước 2: Tòa án thụ lý đơn, xem xét đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật thì ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí gửi người nộp đơn. Người nộp đơn nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai tiền tạm ứng án phí lại cho Tòa án. Tòa án thụ lý vụ án xin ly hôn và ra thông báo thụ lý vụ án gửi Viện kiểm sát cùng cấp và bị đơn (người có liên quan).
Bước 3: Tòa án tiến hành triệu tập các bên đương sự và giải quyết vụ án theo thủ tục pháp luật quy định.
  1. Cách thức Giải quyết ly hôn đơn phương khi một bên người Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài

Trong trường hợp công dân Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với công dân Việt Nam đã đi ra nước ngoài, giải quyết ly hôn theo Điều 2.1 Mục II Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP như sau:
  • Đối với những trường hợp uỷ thác tư pháp không có kết quả, Toà án yêu cầu thân nhân của bị đơn gửi cho họ lời khai của nguyên đơn và báo cho họ gửi những lời khai hoặc tài liệu cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Toà án có thể căn cứ vào những lời khai và tài liệu đó để xét xử theo thủ tục chung.
  • Nếu bị đơn ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức gì về họ, Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án, nguyên đơn có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án cấp huyện tuyên bố bị đơn mất tích hoặc đã chết.
Tại Công văn số 253/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn trường hợp trên mà nguyên đơn chỉ cung cấp được địa chỉ cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn, nếu có căn cứ xác định bị đơn vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn, cũng như không thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai thì:
  • Coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết.
  • Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung nếu Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn, cũng như không chịu thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai.
  • Sau khi xét xử, Tòa án gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở UBND cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.
 Trên đây là tư vấn của chúng tôi về thủ tục ly hôn đơn phương khi một bên là người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ trực tiếp.
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ĐẠI AN PHÁT
Số điện thoại: 024.39.184.888/0973.509.636/0989.422.798
Email: luatdaianphat@gmail.com  
Trân trọng!
Gửi yêu cầu dịch vụ
Đăng ký dịch vụ ngay