Blue ocean

Gửi câu hỏi trực tuyến

Họ tên
Điện thoại
Email
Câu hỏi

HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN LẬP TRƯỚC NGÀY 01/01/2017 MÀ SAU NGÀY NÀY MỚI XẢY RA TRANH CHẤP THÌ LÃI SUẤT CHO VAY CỦA HỢP ĐỒNG GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?

19/08/2021 18:23

Ngày 01/01/2017 là ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, các điều khoản của Bộ luật dân sự 2015 có thay đổi lớn so với Bộ luật Dân sự 2005, đặc biết là mức lãi suất cho vay. Vậy Hợp đồng cho vay tài sản được lập trước ngày 01/01/2017 mà sau ngày này mới xảy ra tranh chấp thì lãi suất cho vay của Hợp đồng được giải quyết như thế nào? Dưới đây Luật Đại An Phát sẽ tư vấn cho bạn đọc.

1. Căn cứ pháp lý

- Bộ luật Dân sự 2005;
- Bộ luật Dân sự 2015.

2. Nội dung tư vấn

Trước tiên, cần phải so sánh sự khác biệt quy định về lãi suất giữa Bộ luật Dân sự 2015 với Bộ Luật Dân sự 2005 quy định về lãi suất như sau:
“Điều 476. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.”
Bộ luật Dân sự 2015 quy định về mức lãi suất như sau:
“Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
Như vậy, có thể thấy rằng điểm giống nhau của hai Bộ luật dân sự trên về lãi suất đó là “mức lãi suất do các bên thỏa thuận”, tuy nhiên có điểm khác biệt lớn đó là mức lãi suất theo quy định của BLDS 2005 thì các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố với loại cho vay tương ứng tại thời điểm giao kết hợp đồng. Trường hợp khi giao kết hợp đồng các bên không thỏa thuận về lãi mà khi tranh chấp có yêu cầu tính lãi thì lãi suất được tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Bộ luật dân sự 2015 quy định mức trần của lãi suất cố định là 20%/năm, trường hợp các bên thỏa thuận mức lãi suất cao hơn thì mức lãi suất vượt quá 20%/năm sẽ bị vô hiệu. Trường hợp các bên không thỏa thuận về lãi khi giao kết hợp đồng nhưng khi tranh chấp mà yêu cầu về lãi thì mức lãi suất là 10%/năm.

Vậy đối với hợp đồng vay tài sản được giao kết trước ngày 01/01/2017 mà sau ngày này mới xảy ra tranh chấp và yêu cầu tính lãi suất thì xử lý như thế nào?
Khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 688. Điều khoản chuyển tiếp
1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:
a) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11, trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này.
Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11;
b) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này;
c) Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 để giải quyết;
d) Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này.”
Như vậy, hợp đồng vay tài sản được xác lập trước ngày 01/01/2017 chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có thỏa thuận về lãi suất khác với quy định của BLDS năm 2015 thì áp dụng quy định của BLDS năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết BLDS năm 2005, trừ trường hợp hợp đồng chưa được thực hiện mà các bên có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung về lãi suất phù hợp với BLDS năm 2015 và để áp dụng quy định của BLDS năm 2015;
Hợp đồng vay tài sản được xác lập trước ngày 01/01/2017 chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có thỏa thuận về lãi suất phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 thì áp dụng BLDS năm 2015;
Hợp đồng vay tài sản được xác lập trước ngày 01/01/2017 được thực hiện xong trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng BLDS năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết BLDS năm 2005 để giải quyết.
Trên đây là tư vấn của Luật Đại An Phát, nếu có bất kỳ vướng mắc nào bạn có thể liên hệ trước tiếp với chúng tôi để được tư vấn.
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ĐẠI AN PHÁT
Số điện thoại: 024.39.184.888/0973.509.636/0989.422.798
Email: luatdaianphat@gmail.com  
Trân trọng!
Gửi yêu cầu dịch vụ
Đăng ký dịch vụ ngay