Blue ocean

Gửi câu hỏi trực tuyến

Họ tên
Điện thoại
Email
Câu hỏi

TRANH CHẤP VỀ NGÕ ĐI CHUNG

19/05/2020 12:43

Hiện nay, việc tranh chấp về ngõ đi chung tương đối phổ biến, đặc biệt là ở những thành phố đông đúc dân cư và những vùng nông thôn mới phát triển. Vậy pháp luật quy định như thế nào về ngõ đi chung và khi xảy ra tranh chấp thì thủ tục như thế nào? Dưới đây Luật Đại An Phát xin tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại Điều 254 Bộ Luật dân sự 2013 quy định về quyền lối đi qua như sau:

“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.”

Như vậy, trong trường hợp chủ sử dụng đất không có lối đi ra ngoài đường công cộng bởi các thửa đất khác vây bọc xung quanh thì có thể yêu cầu chủ sử dụng đất liền kề vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý, tuy nhiên chủ sử dụng đất bị vây bọc phải đền bù cho chủ sử dụng đất vây bọc một khoản tiền hợp lý và không được làm ảnh hưởng, phiền hà cho các bên. Việc dành lối đi chung do các bên tự thỏa thuận về chiều rộng, chiều dài, chiều cao, giá cả…

Trong trường hợp một trong các bên không tự thỏa thuận được thì có thể khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết.

Trước khi nộp đơn đến Tòa án, người yêu cầu giải quyết tranh chấp bắt buộc phải thực hiện thủ tục hòa giải ở cơ sở. Trong trường hợp các bên không tìm được tiếng nói chung thì nộp đơn khởi kiện kèm theo các tài liệu chứng cứ đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết, cụ thể là Tòa án nơi có bất động sản bị tranh chấp.

Về trình tự thủ tục giải quyết, bạn có thể tham khảo bài viết “Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai bằng Tòa án” và bài viết “những điều cần lưu ý khi giải quyết tranh chấp đất đai”.

Trên đây là tư vấn của Luật Đại An Phát, nếu có bất kỳ vướng mắc nào hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn. Luật Đại An Phát là công ty Luật có nhiều kinh nghiệm và uy tín về giải quyết tranh chấp đất đai, giải quyết ly hôn…

 
Gửi yêu cầu dịch vụ
Đăng ký dịch vụ ngay