Blue ocean

Gửi câu hỏi trực tuyến

Họ tên
Điện thoại
Email
Câu hỏi

Một số lưu ý trong soạn thảo hợp đồng ủy quyền

Ủy quyền là một hình thức phổ biến nhằm giảm thiểu công việc của mình. Để đảm bảo tính pháp lý, các bên sẽ thỏa thuận ký kết hợp đồng ủy quyền. 

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Để đảm bảo hợp đồng không bị vô hiệu các bên khi soạn thảo, ký kết hợp đồng ủy quyền cần lưu ý một số điểm sau:
  • Tư cách chủ thể.
  • Phạm vi ủy quyền.
  • Hình thức hợp đồng.
  • Đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền.

1. Tư cách chủ thể trong hợp đồng ủy quyền

Chủ thể trong hợp đồng ủy quyền là cá nhân, pháp nhân. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
hợp đồng ủy quyền
Chủ thể trong hợp đồng ủy quyền có thể là cá nhân hoặc pháp nhân

2. Phạm vi của hợp đồng ủy quyền 

Bên ủy quyền không được phép ủy quyền cho các công việc không thuộc quyền hạn của mình.
Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác khi có sự đồng ý của bên ủy quyền; do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu và phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.

3. Hình thức hợp đồng ủy quyền

Hình thức hợp đồng ủy quyền không được quy định cụ thể, theo nguyên tắc hợp đồng, hợp đồng ủy quyền có thể bằng lời nói, văn bản, hành vi. Trong thực tế, các bên giao kết hợp đồng ủy quyền thường lập thành văn bản. Trong một số trường hợp, hợp đồng ủy quyền phải được lập thành văn bản và một số trường hợp cần phải được công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý.

* Các trường hợp phải lập thành văn bản được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành bao gồm:

1.  Thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân ủy quyền cho người đại diện cho hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. (Khoản 1 Điều 101 Bộ luật dân sự 2015).

2. Người đại diện được người sử dụng lao động ủy quyền để thực hiện điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, trong trường hợp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, người làm công tác an toàn lao động, người làm công tác y tế (Khoản 1 Điều 35 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015)

3. Người được người sử dụng lao động ủy quyền quản lý lao động yêu cầu người lao động thực hiện công việc theo yêu cầu ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc và người lao động này bị tai nạn lao động thì người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động. (Khoản 1 Điều 45 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015)

4. Cá nhân ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1. (Lưu ý, trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền) (Khoản 3 Điều 45 Luật lý lịch tư pháp 2009)

5. Chủ nợ ủy quyền cho người khác tham gia Hội nghị chủ nợ (Khoản 1 Điều 77 Luật phá sản 2014).

6. Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ DN hoặc người đại diện hợp pháp của DN, HTX mất khả năng thanh toán nếu không tham gia Hội nghị chủ nợ thì ủy quyền cho người khác tham gia. (Khoản 1 Điều 78 Luật phá sản 2014).

7. Người đại diện theo pháp luật duy nhất của DN khi xuất cảnh khỏi VN ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. (Khoản 3 Điều 13 Luật doanh nghiệp 2014)

8. Chủ tịch HĐTV vắng mặt hoặc không đủ năng lực để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình ủy quyền cho một thành viên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. (Khoản 4 Điều 57 Luật doanh nghiệp 2014)

hợp đồng ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền có thể bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi

9. Chủ tịch công ty (doanh nghiệp nhà nước) vắng mặt ở Việt Nam trên 30 ngày ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện một số quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch công ty.  (Khoản 7 Điều 98 Luật doanh nghiệp 2014)

10. Cổ đông ủy quyền cho người khác tham gia Đại hội đồng cổ động. (Khoản 1 Điều 140 Luật doanh nghiệp 2014)

11. Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình thì ủy quyền cho một thành viên khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. (Khoản 4 Điều 152 Luật doanh nghiệp 2014)

12. Đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền tham gia tố tụng hành chính (Khoản 3 Điều 60, Khoản 6 Điều 205 Luật tố tụng hành chính 2015).

13. Đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng dân sự, trừ trường hợp ly hôn (Điều 86 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)

14. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam được nhận thừa kế thì ủy quyền cho người khác thuộc diện được nhận thừa kế quyền sử dụng đất nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào sổ địa chính. (Khoản 4 Điều 186 Luật đất đai 2013)

15. Người nhận thừa kế là Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam ủy quyền cho người trông nom hoặc tạm sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan. (Khoản 5 Điều 186 Luật đất đai 2013).

>>> Xem thêm: Thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền

* Trường hợp hợp đồng ủy quyền phải lập thành văn bản và công chứng, chứng thực:

1. Vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về thỏa thuận (Khoản 2 Điều 96 Luật hôn nhân gia đình 2014).

2. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định uỷ quyền cho người khác thực hiện thay, trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con.( Khoản 2 Điều 6 Luật hộ tịch 2014)

(Lưu ý: Phạm vi uỷ quyền có thể gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả đăng ký hộ tịch.

hợp đồng ủy quyền
Một số trường hợp ủy quyền phải yêu cầu công chứng 

4. Đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền

Bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền đều có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng vào bất kỳ lúc nào, tuy nhiên có một số lưu ý như sau:

+ Đối với ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; Đối với ủy quyền không có thù lao, bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.

Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

+ Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.
Trên đây là những lưu ý khi soạn thảo hợp đồng ủy quyền. Nếu còn bất kỳ băn khoăn nào, hoặc muốn được tư vấn cách soạn thảo hợp đồng ủy quyền hãy liên hệ với
Luật Đại An Phát theo các thông tin sau:
Hotline: 0973 119 636
Email: luatdaianphat@gmail.com