Blue ocean

Gửi câu hỏi trực tuyến

Họ tên
Điện thoại
Email
Câu hỏi

Chế độ đối với lao động nữ có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi


Hiện nay, nhà nước có những chế độ đặc biệt dành cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Quy định này nhằm tạo điều kiện và giúp lao động nữ có thời gian cũng như điều kiện sức khỏe để chăm sóc con. Tuy nhiên, điều này không phải ai cũng biết. Vậy những quy định đó là gì? 

 

Câu hỏi:
Chào luật sư, tôi có vấn đề này rất mong được luật sư tư vấn!
Tháng 10/2019, Công ty tôi đã đồng ý tuyển dụng chị T.T.M vào làm việc với chức vụ Nhân viên công ty, thời gian thử việc là 02 tháng.
Ngày 30/11/2019, Công ty và chị T.T.M đã đồng ý và thống nhất trên tinh thần tự nguyện cùng nhau ký kết Hợp đồng lao động số 27/HĐLĐ/TTCNHN.
Tại thời điểm ký kết Hợp đồng lao động, chị T.T.M đang nuôi con nhỏ 08 tháng tuổi và đề nghị được hưởng quyền lợi thai sản đối với lao động nữ, cụ thể là đề nghị được chấp thuận thời giờ bắt đầu làm việc muộn hơn so với quy định và thời giờ kết thúc làm việc sớm hơn quy định tại Hợp đồng lao động.

Xin luật sư tư vấn giúp tôi việc chị T.T.M yêu cầu như vậy có đúng không và các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này như thế nào? 
Tôi xin chân thành cảm ơn!


Trả lời:
Trước tiên, chúng tôi xin gửi tới Quý khách lời chào trân trọng và lời cảm ơn chân thành vì sự hợp tác của quý khách với Công ty chúng tôi.
Công ty Luật Hợp Danh Đại An Phát là một công ty hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, tư vấn doanh nghiệp trong nước, lao động,….
  1. Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Lao động 2012;
  • Nghị định số 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của bộ luật lao động về chính sách đối với lao động nữ;
  • Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Hợp đồng lao động số 27/HĐLĐ/TTCNHN.
  1. Hiểu biết của chúng tôi về yêu cầu của quý khách

Tháng 10/2019, Công ty CP DVHT Quốc tế Trường Thịnh – CN Hà Nội (sau đây gọi tắt là “Công ty”) với đại diện là bà Trần Thị Len – Giám đốc chi nhánh thông qua quá trình tuyển dụng, đã đồng ý tuyển dụng chị Trần Thị Mây vào làm việc với chức vụ Nhân viên công ty, thời gian thử việc là 02 tháng.
Ngày 30/11/2019, Công ty và chị Trần Thị Mây đã đồng ý và thống nhất trên tinh thần tự nguyện cùng nhau ký kết Hợp đồng lao động số 27/HĐLĐ/TTCNHN.
Tại thời điểm ký kết Hợp đồng lao động, chị Trần Thị Mây đang nuôi con nhỏ 08 tháng tuổi và đề nghị được hưởng quyền lợi thai sản đối với lao động nữ, cụ thể là đề nghị được chấp thuận thời giờ bắt đầu làm việc muộn hơn so với quy định và thời giờ kết thúc làm việc sớm hơn quy định tại Hợp đồng lao động.
Công ty mong muốn được tư vấn các quy định của pháp luật và rủi ro liên quan về vấn đề trên.

 
chế độ đối với lao động nữ có con dưới 1 tuổi
Chế độ đối với lao động nữ có con dưới 1 tuổi
  1. Đề xuất ý kiến tư vấn:

  1. Dù không thỏa thuận tại Hợp đồng lao động, người sử dụng lao động vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật về những quy định riêng đối với lao động nữ.

Chị Trần Thị Mây yêu cầu Ban lãnh đạo Công ty giải quyết quyền lợi đối với lao động nữ, cụ thể là chị Mây được đi trễ, về sớm trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi là hợp lý và chị Mây vẫn được hưởng đủ tiền lương theo Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 85/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, tổng thời gian đi trễ, về sớm của chị Mây không được quá 60 phút/thời giờ làm việc.
Ngoài ra, nếu trong Thỏa ước lao động, Nội quy lao động của Công ty có quy định thêm về các trường hợp người lao động được đi trễ, về sớm và hưởng nguyên lương thì chị Mây đương nhiên được hưởng quyền lợi này.
*Căn cứ pháp lý:
Theo quy định tại điểm b khoản 1; khoản 3; khoản 4 Điều 155 Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động cần lưu ý một số vấn đề không được làm đối với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi như sau:
“1. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:
b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi….”.
4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.
Bên cạnh đó, theo Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 85/2015/NĐ-CP quy định:
“ 3. Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ như sau:
a) Mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi;
b) Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.”

 
chế độ đối với lao động nữ có con dưới 1 tuổi
Lao động nữ có con nhỏ dưới 1 tuổi được nghỉ 1h/ngày
  1. Chế tài xử lý vi phạm đối với người sử dụng lao động

Nếu người sử dụng lao động vi phạm quy định về chế độ riêng đối với lao động nữ, theo điểm c khoản 2 điều 18 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định xử phạt hành vi vể vi phạm quy định về lao động như sau:
“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
c) Không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày;”
Do vậy, Công ty nên cân nhắc và thỏa thuận với chị Mây về thời gian nghỉ 60 phút trong thời gian làm việc và đưa ra quyết định phù hợp với quy định của pháp luật để tránh bị xử lý vi phạm về vấn đề nêu trên.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Công ty chúng tôi dựa trên những thông tin mà Quý Khách đã cung cấp và theo quy định của pháp luật hiện hành.
Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại: 024.39.184.888 –0973.509.636/0989.422.798hoặc địa chỉ email: luatdaianphat@gmail.com  
Trân trọng!