Blue ocean

Gửi câu hỏi trực tuyến

Họ tên
Điện thoại
Email
Câu hỏi

Các yếu tố liên quan đến việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp

04/05/2020 16:48

Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình tư vấn cũng như làm thủ tục thành lập các loại hình doanh nghiệp, chúng tôi thấy rằng có tám yếu tố chính sau đây quý khách hàng cần cân nhắc để hiểu vì sao nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp này mà không lựa chọn các loại hình doanh nghiệp khác. Từ đó đưa ra được quyết định loại hình doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu của bản thân.

                                                     Tư vấn lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất
  1. Thủ tục, chi phí thành lập và vận hành doanh nghiệp.
  • Về thủ tục, chi phí thành lập.
Khi bắt đầu lựa chọn loại hình doanh nghiệp, một trong những câu hỏi đầu tiên mà chủ sở hữu đặt ra là liệu thủ tục và chi phí thành lập và vận hành loại doanh nghiệp nào là đơn giản và đỡ tốn kém nhất? Trong phạm vi nguồn lực của chủ sở hữu và yêu cầu về phát triển doanh nghiệp trong tương lai, đâu là loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất?
Thực tế, không xét về yếu tố nguồn vốn trong nước hay nước ngoài, chỉ xét về loại hình doanh nghiệp thì hồ sơ xin thành lập và thủ tục thành lập các loại hình doanh nghiệp như Doanh nghiệp tư nhân (DNTN), Công ty hợp danh (CTHD), Công ty trách nhiệm hữu hạn (CTTNHH), Công ty cổ phần (CTCP) về cơ bản không có sự khác biệt nhiều. Thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dưới hình thức CTTNHH, CTCP tương đối phức tạp và cũng tốn kém hơn so với thành lập doanh nghiệp trong nước.
Việc chuyển đổi CTCP thành công ty đại chúng phức tạp và tốn chi phí hơn so với thành lập các công ty khác vì điều lệ công ty đại chúng tương đối phức tạp, phải tuân thủ các quy định riêng của pháp luật về chứng khoán và phải có thủ tục đăng ký công ty đại chúng với Uỷ ban chứng khoán nhà nước.
  • Về thủ tục, chi phí vận hành.
DNTN có cơ cấu tổ chức quản lý đơn giản nhất và chủ DNTN có thể tự mình quản lý DNTN. Do vậy, chi phí quản lý doanh nghiệp ít tốn kém nhất.
CTHD và CTTNHH có cơ cấu tổ chức quản lý phức tạp hơn DNTN, về cơ bản bao gồm Hội đồng thành viên và Ban kiểm soát, nên tốn kém chi phí quản lý hơn DNTN.
CTCP có cơ cấu tổ chức phức tạp nhất, về cơ bản bao gồm Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nên tốn kém chi phí quản lý hơn. Chi phí tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông, chi phí gửi thông báo mời họp, chi phí thuê địa điểm họp…
Đặc biệt, CTCP là công ty đại chúng có chi phí quản lý tốn kém nhất. So với CTCP bình thường, CTCP đại chúng có các chi phí phát sinh thêm như: (i) chuẩn bị báo cáo tài chính hàng tháng, hàng quý, hàng năm; báo cáo tài chính hợp nhất trong trường hợp công ty đại chúng là công ty mẹ, (ii) thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin thường xuyên và bất thường theo quy định của pháp luật, (iii) tuân thủ các quy định riêng về quản trị nội bộ và các quy định áp dụng riêng cho công ty niêm yết.
  1. Tư cách pháp nhân và trách nhiệm chủ sở hữu.
Trong hoạt động kinh doanh, việc phát sinh các khoản nợ là điều tất yếu, đặc biệt trong trường hợp tình hình kinh doanh khó khăn thì có thể phát sinh các khoản nợ lớn hơn rất nhiều so với vốn chủ sở hữu. Vì vậy, chủ sở hữu nên cân nhắc trách nhiệm chủ sở hữu giữa các loại hình doanh nghiệp khi quyết định thành lập doanh nghiệp.
Đứng từ góc độ giới hạn trách nhiệm của chủ sở hữu đối với nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp với chủ nợ, thì hình thức CTTNHH và CTCP ưu việt hơn so với DNTN và CTHD. Vì thành viên CTTNHH và CTCP có trách nhiệm hữu hạn, chỉ chịu trách nhiệm trong phần vốn góp hoặc phần cam kết vốn góp vào Công ty. Đây là lý do mà số lượng DNTN ở Việt Nam rất hạn chế vì cá nhân có thể lựa chọn CTTNHH một thành viên theo đó cá nhân có trách nhiệm hữu hạn mà vẫn có quyền kiểm soát hoàn toàn đối với Công ty.
  1. Số lượng chủ sở hữu và tên doanh nghiệp.
Nhiều chủ sở hữu chỉ muốn thành lập và quản lý doanh nghiệp một mình mà không muốn có sự tham gia của các chủ sở hữu khác. Chủ sở hữu đôi khi cũng muốn tên doanh nghiệp phản ánh tên riêng của mình.
Đứng từ khía cạnh này, nếu chủ sở hữu chỉ muốn quản lý doanh nghiệp một mình và muốn giữ tên doanh nghiệp giống tên mình thì hình thức phù hợp nhất là DNTN, CTHD hoặc CTTNHH một thành viên. DNTN và CTTNHH một thành viên có một chủ sở hữu. CTTNHH hai thành viên trở lên có tối thiểu là hai và tối đa là năm mươi chủ sở hữu. CTCP thì có ít nhất ba cổ đông và không hạn chế số lượng cổ đông tối đa. Công ty đại chúng thường có trên 100 cổ đông và không hạn chế số lượng cổ đông tối đa. Nếu các chủ sở hữu muốn hạn chế số lượng chủ sở hữu trong phạm vi những người mình quen biết để dễ kiểm soát doanh nghiệp thì loại hình doanh nghiệp là CTCP là không phù hợp.
  1. Cơ cấu quản lý hoạt động.
Loại hình doanh nghiệp quyết định đến việc quản lý hoạt động của doanh nghiệp. Đứng từ góc độ của chủ sở hữu, càng có sự tách biệt giữa quyền sở hữu với quyền quản lý doanh nghiệp có nghĩa là chủ sở hữu càng mất quyền kiểm soát đối với doanh nghiệp. Trong trường hợp chủ doanh nghiệp không muốn từ bỏ quyền quản lý doanh nghiệp thì hình thức DNTN, CTHD, CTTNHH một thành viên là phù hợp nhất. Nếu đây không phải vấn đề quan trọng thì hình thức CTTNHH, CTCP cũng có thể được lựa chọn.
  1. Khả năng chuyển nhượng và bán doanh nghiệp.
Trong quá trình hoạt động, chủ sở hữu có thể muốn chuyển nhượng phần vốn góp hoặc bán doanh nghiệp. Xét về yếu tố khả năng chuyển nhượng thì CTCP là hình thức doanh nghiệp có nhiều ưu thế vượt trội nhất; cổ đông không phải là cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần và khi CTCP niêm yết thì việc chuyển nhượng cổ phần của công ty niêm yết dễ dàng hơn rất nhiều.
Chủ DNTN không được chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác, tuy nhiên chủ DNTN được quyền bán doanh nghiệp và vẫn phải chịu trách nhiệm với các nghĩa vụ nợ mà doanh nghiệp chưa thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa người mua, người bán,và chủ nợ.
CTHD, CTTNHH, CTCP cũng có các hạn chế nhất định đối với việc chuyển nhượng cổ phần. Ở CTHD, thành viên hợp danh chỉ được phép chuyển nhượng vốn nếu được sự đồng ý của các thành viên hợp danh khác; CTTNHH chỉ được phép chuyển nhượng cho bên thứ ba sau khi đã chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại khác. CTCP, các cổ đông sáng lập bị hạn chế chuyển nhượng cổ phàn trong vòng 3 năm đầu kể từ khi thành lập công ty.
  1. Khả năng huy động vốn.
Doanh nghiệp không chỉ dựa vào duy nhất nguồn vốn góp của chủ sở hữu để phát triển hoạt động kinh doanh. Đến một giai đoạn phát triển nhất định, doanh nghiệp cần huy động các nguồn vốn khác, chủ yếu thông qua việc phát hành chứng khoán hoặc vay ngân hàng. Không có hạn chế theo luật đối với khả năng vay vốn ngân hàng của mọi loại hình doanh nghiệp miễn là doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện vay vốn và mục đích sử dụng vốn vay. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng được phát hành chứng khoán. Vì vậy, cần cân nhắc đến khả năng phát hành chứng khoán của mỗi loại hình doanh nghiệp để có thể lựa chọn loại hình phù hợp với nhu cầu của mình.
  1. Nghĩa vụ công bố công khai thông tin đến hoạt động của doanh nghiệp.
Một vấn đề mà chủ sở hữu quan tâm là việc bảo mật thông tin cá nhân và thông tin doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp và chủ sở hữu không có nghĩa vụ công bố thông tin ra công chúng thì tính bảo mật được duy trì. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp và cổ đông bắt đầu có nghĩa vụ công bố thông tin ra công chúng thì chủ sở hữu phải chấp nhận thực tế là công chúng có thể biết đến các thông tin nhạy cảm, cuộc sống đời tư sẽ có ít nhiều sự xáo trộn.
Vì vậy, đây cũng là một yếu tố quan trọng để các cá nhân, tổ chức cân nhắc khi lựa chọn thành lập doanh nghiệp.
  1. Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thuế thu nhập ảnh hưởng đến lợi nhuận có thể được chia cho các chủ sở hữu. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay mọi loại hình doanh nghiệp đều chịu một mức thuế suất chung về thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với lợi nhuận của doanh nghiệp (trừ trường hợp các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế suất khi hoạt động trong ngành nghề được ưu đãi đầu tư kinh doanh).
Ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp, có hai loại thuế có thể ảnh hưởng đến thu nhập của chủ sở hữu là: (i) Thuế áp dụng cho chủ sở hữu liên quan đến khoản lợi nhuận hoặc cổ tức được phân chia; (ii) Thuế áp dụng cho việc chuyển nhượng phần vốn góp hoặc cổ phần. Về cơ bản, khoản thuế này có sự khác nhau giữa chủ sở hữu là tổ chức hoặc cá nhân. Chủ sở hữu là tổ chức không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp với khoản lợi nhuận được phân chia vì lợi nhuận được chia cho chủ sở hữu là lợi nhuận sau thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp không áp dụng hai lần ở cả tầng Công ty và tầng thành viên hoặc cổ đông; trong khi đó chủ sở hữu là cá nhân phải chịu thuế thu nhập cá nhân đối với khoản lợi nhuận hoặc cổ tức được phân chia.
 
Như vậy, có rất nhiều yếu tố liên quan đến việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp. Hi vọng rằng sau bài viết này, quý khách hàng phần nào đã hiểu hơn về các loại hình doanh nghiệp và đưa ra được lựa chọn cho chính mình. Nếu cần bất kỳ sự hỗ trợ pháp lý nào vui lòng liên hệ với chúng tôi.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ĐẠI AN PHÁT
Điện thoại: 024.39.184.888/ 0973.509.636/ 0989.422.798
Email: luatdaianphat@gmail.com  
Trân trọng!
 
Gửi yêu cầu dịch vụ
Đăng ký dịch vụ ngay