Blue ocean

Gửi câu hỏi trực tuyến

Họ tên
Điện thoại
Email
Câu hỏi

NHỮNG HẬU QUẢ PHÁP LÝ KHI HỌC SINH ĐÁNH NHAU GÂY THƯƠNG TÍCH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

Trong những năm gần đây văn hóa học đường đang ở mức báo động, một số học sinh đang có những suy nghĩ lệch lạc, ứng xử thiếu văn hóa.. nên liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực học đường với tính chất ngày càng nguy hiểm. Các hành vi bạo lực có thể là bạo lực về thể chất (đánh đập, xô đẩy…), bạo lực về lời nói (đe dọa, vu khống) hay bạo lực về tinh thần (tẩy chay, xa lánh, nói xấu…) tuy nhiên trong bài viết này chúng tôi muốn hướng đến tình trạng học sinh đánh nhau gây gổ đánh nhau tại trường học và gây thương tích. Vậy trong trường hợp này các em học sinh có hành vi đánh bạn gây thương tích sẽ bị xử lý như thế nào? Trách nhiệm của gia đình, nhà trường được quy định ra sao? Chúng tôi sẽ đi vào trả lời các câu hỏi đó trong bài viết dưới đây.

1. Cơ sở pháp lý

- Bộ luật Dân sự 2015;
- Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;
- Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình

2. Tư vấn của Luật sư

Học sinh có hành vi đánh bạn có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” khi đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Ngoài ra hành vi đánh nhau khi xâm phạm tới sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm sẽ phải bồi thường thiệt hại dân sự do xâm phạm sức khoẻ. 

2.1. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Đối với hành vi đánh nhau với bạn học có những yếu tố cấu thành tôi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 134 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, cụ thể như sau quy định cụ thể:
"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

đ) Có tổ chức;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”.

Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội “Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác” như sau:
  • Từ đủ 16 tuổi trở lên: phải chịu trách nhiệm hình sự khi đủ yếu tố cấu thành tội phạm
  • Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: phải chịu trách nhiệm hình sự về khi thuộc tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù; Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

2.2. Xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại điều 5 Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. Riêng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi vi phạm hành chính sẽ áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo theo quy định tại điều 22 Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012.
Đối với hành vi đánh bạn khi chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định đã nêu ở trên sẽ bị xử lý theo quy định tại Luật xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định  vi phạm hành chính theo số 167/2013/NĐ-CP, cụ thể tại điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt khi vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;

c) Thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau;

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;    
…”

Như vậy, có thể xác định học sinh khi đánh nhau gây thương tích có thể bị xử phạt với các mức:
  • Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng: Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;
  • Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng: Lôi kéo người khác đánh nhau hoặc xâm hại đến sức khỏe của người khác.
Ngoài ra, trường hợp người thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm rất nghiệm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đã đủ 12 tuổi nhưng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì tùy trường hợp có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo điều 89; hoặc đưa vào trường giáo dưỡng theo điều 91 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

2.3 Bồi thường thiệt hại dân sự

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm xảy ra khi học sinh đánh nhau có thể bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Nếu việc đánh đập này khi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người bị thiệt hại thì còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần.
Đối với học sinh dưới 15 tuổi khi đánh nhau có thiệt hại xảy ra thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về nhà trường nếu trong thời gian trường học trực tiếp quản lý; ngược lại nếu nhà trường chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ hoặc người giám hộ sẽ phải bồi thường theo quy định tại điều 599 Bộ luật Dân sự 2015. Từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì người gây thiệt hại sẽ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình theo quy định tại Điều 586 Bộ luật dân sự 2015.
Trên đây là những vấn đề có liên quan đến hậu quả pháp lý khi học sinh đánh nhau theo quy định mới nhất hiện nay. Để được hỗ trợ trực tiếp vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ĐẠI AN PHÁT
Số điện thoại: 024.39.184.888/0973.509.636/0989.422.798
Email: luatdaianphat@gmail.com  
Trân trọng!