Blue ocean

Gửi câu hỏi trực tuyến

Họ tên
Điện thoại
Email
Câu hỏi

Tư vấn khởi kiện đòi lại vàng cưới

17/09/2020 19:03

Câu hỏi: Chào Luật sư, Luật sư làm ơn cho em hỏi, anh Hai em có quen biết 1 cô gái qua facebook được vài tháng và anh Hai em dẫn về nhà ở và xin cưới. Khi cưới xong vợ chồng anh Hai em sống với ba mẹ em, do không hợp nên 2 vợ chồng ra trọ ở riêng, nhưng chị ấy đăng lên Zalo chửi gia đình em. Vào ngày 26/08/2020 chị ấy đã bỏ trốn về nhà mẹ đẻ đem theo số vàng là 4 chỉ vàng 24k (bao gồm một dây chuyền 3 chỉ và 1 đôi bông tai 1 chỉ) và 4 phân vàng 18k (1 chiếc nhẫn cưới) và số tiền 140k trong bóp anh Hai em…2 anh chị chỉ vừa tổ chức đám cưới hơn 2 tháng và chưa đăng ký kết hôn…gia đình em có liên lạc với gia đình chị ấy yêu cầu chị ấy trả lại số vàng cưới đó và chị ấy vẫn nhất quyết không trả lại số vàng…qua sự việc trên liệu gia đình em có thể khởi kiện chị ấy.
Qua sự việc trên liệu gia đình em có thể khởi kiện chị ấy lừa đảo chiếm đoạt tài sản không ạ?. Chứng cứ em có là những tus chị ấy đăng Zalo nói xấu và chửi cả gia đình em. Mong nhận được câu trả lời của Luật sư, em chân thành cảm ơn.

Trả lời của Luật sư:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi những thắc mắc của bạn đến công ty Luật hợp danh Đại An Phát. Với những thông tin bạn cung cấp chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
I. Quy định về vợ, chồng hợp pháp.
Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về Đăng ký kết hôn quy định
1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
Theo thông tin bạn cung cấp, hai bạn chưa đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật. Do đó, hiện nay vợ chồng anh hai bạn chưa là vợ chồng hợp pháp theo quy định pháp luật quy định. Việc anh Hai bạn tổ chức đám cưới và chung sống với nhau như vợ chồng không làm phát sinh những quyền và nghĩa vụ vợ chồng về tài sản.Khởi kiện đòi lại vàng cưới
 
Căn cứ theo khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn quy định: "1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này".
Trường hợp này, anh Hai bạn có kết hôn, chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Về mặt pháp luật thì vợ chồng anh Hai bạn chưa được công nhận là vợ chồng. Do đó, việc giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ của anh Hai bạn được thực hiện theo Điều 16 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 và quy định khác về luật dân sự 2015.
II. Căn cứ xác định hành vi vi phạm của người vợ
Để xác định người vợ có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không cần xác định được dấu hiệu hành vi chiếm đoạt tài sản được phát sinh từ thời điểm nào, ý muốn chiếm đoạt tài sản là tiền mừng cưới được hình thành trước khi đám cưới hay sau khi kết hôn mới nảy sinh ý nghĩ này. Xác định được vấn đề này rất quan trọng để xác định người chị dâu này có phạm tội hay không.
Trường hợp thứ nhất, nếu người vợ có ý định kết hôn để lấy tài sản có được sau khi cưới rồi bỏ trốn, dùng việc gian dối, lừa đảo để người chồng tin tưởng và giao tài sản cho mình thì người vợ có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:
Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Trường hợp thứ hai Nếu người vợ nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản sau khi cưới (mà không có chủ ý gian dối ngay từ trước khi kết hôn) thì không cấu thành tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi đó, phần tài sản cô dâu mang về nhà sẽ thuộc quyền sở hữu chung của hai người (khác với sở hữu chung vợ chồng), theo đó tài sản này sẽ được chia theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật..
Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về  Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn quy định:
1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”
Như vậy, khi hai bạn chưa đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì tài sản (cụ thể là tiền mừng cưới) được chia theo thỏa thuận của các bên hoặc nếu không thỏa thuận được thì giải quyết chia tài sản sở hữu chung theo quy định tại các điều 216, 217, 219 của Bộ luật dân sự 2015.
Điều 216 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về quản lý tài sản chung: " Các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác".
Điều 217 BLDS 2015 quy định về sử dụng tài sản chung:
“1.Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền ngang nhau trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”
Căn cứ theo điều 219 Bộ luật dân sự 2015 về Chia tài sản thuộc sở hữu chung quy định
1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.
Như vậy, theo quy định này, người chồng có quyền sở hữu với một phần tài sản được cho khi hai người kết hôn,  việc người chị dâu chiếm giữ toàn bộ số tài sản này là trái với quy định của pháp luật. Vì vậy, gia đình bạn có thể kiện đòi lại tài sản theo quy định tại điều: Điều 166 Quyền đòi lại tài sản Bộ luật dân sự 2015:
 Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.”
Tổng giá trị tài sản 4 (chỉ vàng 24k) x 5.400.000 + 1 (chỉ vàng 18k nhẫn cưới) x 4000.000  + 140.000vnđ = 25.740.000vnđ
(Tạm tính giá chỉ vàng 24k tại thời điểm ngày 28/08/2020 có giá: 5.400.000, giá chỉ vàng 18k tại thời điểm ngày 28/08/2020 có giá: 4000.0000 đ)
III. Về vấn đề xúc phạm danh dự, nhân phẩm
Theo như thông tin bạn cung cấp, gia đình bạn bị xúc phạm, nói xấu, chửi trên mạng xã hội. Đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại  Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
“Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
Ngoài ra, tùy vào mức độ, hành vi của chị dâu bạn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015.
“Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
            Như vậy, gia đình bạn có thể làm đơn tố cáo hành vi “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm” của người chị dâu với gia đình bạn và gửi ra công an khu vực, với những chứng cứ, tài liệu gia đình bạn hiện có và thu thập được.   
            Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật hợp danh Đại An Phát. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được giải đáp.
Gửi yêu cầu dịch vụ
Đăng ký dịch vụ ngay