Blue ocean

Gửi câu hỏi trực tuyến

Họ tên
Điện thoại
Email
Câu hỏi

Dự án trọng điểm vì lợi ích quốc gia công cộng hay lợi ích của doanh nghiệp

04/05/2020 18:46

Câu hỏi:
Chào Luật sư ! tôi là một trong những hộ dân có đất nông nghiệp bị nhà nước thu hồi tại huyện X tỉnh Y để xây dựng dự án “Bến cảng, bến thủy nội địa, công trình giao thông” vì lợi ích quốc gia Công cộng với diện tích thu hồi để thực hiện dự án là 83.400m2.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chúng tôi thấy có sự “bắt tay” giữa chủ đầu tư dự án và Cơ quan nhà nước. Cụ thể, tháng 12/2016 HĐND tỉnh Y ra Nghị quyết về việc “nhà nước đầu tư đường giao thông kết nối; tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa”. Tuy nhiên, Tháng 10/2017, UBND tỉnh Y căn cứ vào luật đầu tư 2014, nghị định 118/2015 ra quyết định “chấp thuận nhà đầu tư A thực hiện dự án đầu tư xây dựng kho cảng tổng hợp Petro” với lý do dự án là một trong những Công trình Giao thông công cộng vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia – công cộng.  Diện tích sử dụng dự án khoảng 83.000 m2 bao gồm các hạng mục như:
+ Xây dựng bến xuất nhập xăng dầu có khả năng tiếp nhận phương tiện vận chuyern đường thủy có tải trọng đến 1.000 tấn;
+ Xây dựng kho xăng dầu có sức chứa 4.800m3
+ Xây dựng kho chứa hàng hóa tổng hợp có sức chứa 4.000 tấn
+ Cửa hàng xăng dầu cấp Bộ loại II, xăng 3.600 m3/năm, dầu 3.000 m3/năm
+ Cửa hàng xăng dầu cấp thủy III
Tháng 3/2019 UBND huyện X ra thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng kho cảng tổng hợp Petro. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện những người dân chúng tôi không đồng ý với Quyết định thu hồi đất của UBND huyện X.
Vậy xin hỏi luật sư, trong trường hợp này, đây có phải là dự án kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia Công cộng không? Thẩm quyền ra quyết định chấp thuận dự án Của UBND tỉnh Y có đúng với quy định của pháp luật không? Liệu có hành vi đánh tráo dự án ở đây không? Và trong trường hợp người dân không đồng ý với quyết định thu hồi đất, thì dự án có được tiếp tục thực hiện không?.
Rất mong nhận được phản hồi của các Luật sư.


                                          Dự án trọng điểm vì lợi ích quốc gia hay lợi ích của doanh nghiệp

Trả lời của Luật sư:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi vướng mắc pháp lý của mình tới Công ty Luật Hợp danh Đại An Phát chúng tôi. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên tư vấn được đào tạo bài bản, giỏi về chuyên môn cũng như giàu kinh nghiệm giải quyết các Vụ việc thực tế. Chúng tôi tự tin có đủ năng lực giải đáp vướng mắc của bạn như sau:

I. Cơ sở pháp lý.

  1. Luật Đầu tư 2014;

  2. Luật Đất Đai 2013;

  3. Luật Đấu Thầu 2013

  4. Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất Đai

  5. Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về phân loại công trình giao thông;

  6. Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư.

      7. Nghị định 25/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

II. Tư vấn của Luật sư.

  1. Thế nào là Dự án kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia Công cộng?

Hiện nay, pháp luật về đất đai và pháp luật liên quan không quy định hay giải thích thế nào là thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà chỉ liệt kế các trường hợp bị thu hồi. Điều 62 Luật Đất Đai 2013 quy định  Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp sau đây:
1. Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất;
2. Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất, bao gồm:
a) Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
b) Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp quốc gia;
c) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải;
3. Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm:
a) Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương;
b) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải;
c) Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;
d) Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
đ) Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản.
Ngoài ra, theo quy định tại Phụ lục I, Ban hành kèm theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ) Phân loại Công trình giao thông như sau:
CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG
1. Công trình đường bộ: Đường ô tô cao tốc các loại; đường ô tô, đường trong đô thị; đường nông thôn, bến phà.
2. Công trình đường sắt: đường sắt cao tốc và cận cao tốc; đường sắt đô thị, đường sắt trên cao, đường tầu điện ngầm (Metro); đường sắt quốc gia; đường sắt chuyên dụng và đường sắt địa phương.
3. Công trình cầu: cầu đường bộ, cầu bộ hành (không bao gồm cầu treo dân sinh); cầu đường sắt; cầu phao; cầu treo dân sinh.
4. Công trình hầm: Hầm đường ô tô; hầm đường sắt; hầm cho người đi bộ.
5. Công trình đường thủy nội địa: Công trình sửa chữa/đóng mới phương tiện thủy nội địa (bến, ụ, triền, đà, ...); cảng bến thủy nội địa; âu tầu; đường thủy chạy tàu (trên sông, hồ, vịnh và đường ra đảo, trên kênh đào).
6. Công trình hàng hải: bến cảng biển; công trình sửa chữa/đóng mới phương tiện thủy nội địa (bến, ụ, triền, đà...); luồng hàng hải (chạy tàu 1 chiều); công trình chỉnh trị (đê chắn sóng/chắn cát, kè hướng dòng/bảo vệ bờ).
7. Các công trình hàng hải khác: bến phà/cảng ngoài đảo, bến cảng chuyên dụng, công trình nổi trên biển; hệ thống phao báo hiệu hàng hải trên sông/biển; đèn biển, đăng tiêu.
8. Công trình hàng không: Khu bay (bao gồm cả các công trình đảm bảo bay).
 
Vậy, Công trình giao thông không bao gồm: Kho xăng dầu, kho chứa hàng hóa tổng hợp, của hàng xăng. UBND tỉnh Y viện dẫn lý do dự án đầu tư xây dựng kho cảng tổng hợp Petro là dự án Công trình giao thông công cộng, được quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất Đai năm 2013 để ra quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận Nhà Đầu tư A là trái với quy định của pháp luật.

  1. Thẩm quyền ra quyết định chấp thuận dự án của UBND tỉnh Y.

Dự án đầu tư xây dựng kho cảng tổng hợp petro với các hạng mục của dự án bao gồm: bến xuất nhập xăng dầu có khả năng tiếp nhận phương tiện vận chuyển đường thủy có tải trọng đến 1.000 tấn; kho dầu có sức chứa 4.800 m3; kho chứa hàng hóa tổng hợp có sức chứa 4.000 tấn; cửa hàng xăng dầu cấp bộ loại II (3.600m3/năm; dầu 3.000m3/năm); cửa hàng xăng, dầu cấp thủy loại III
Bản chất là dự án xây dựng hệ thống dẫn, chứa xăng dầu. Căn cứ vào điểm c, khoản 2, Điều 62 Luật Đất Đai năm 2013 thì dự án này thuộc thẩm quyền chấp thuận, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai quy định các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất như sau: “c) Sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; d) Sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp”. Như vậy, có thể khẳng định đây là dự án thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, Điểm a, khoản 1 Điều 132 Luật Đầu tư quy định, UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các “dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng; dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất”.
Từ những căn cứ nêu trên có thể khẳng định, việc UBND tỉnh Y ra Quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư là Công ty A thực hiện dự án Đầu tư xây dựng kho cảng tổng hợp Petro là không đúng quy định của pháp luật và trái thẩm quyền.

  1. Hành vi đánh tráo dự án.

Theo như thông tin khách hàng cung cấp, tháng 12 năm 2016 HĐND tỉnh Y ra Nghị quyết về việc “nhà nước đầu tư đường giao thông kết nối; tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa”. Với quy mô dự án 83.400 m2. Tuy nhiên vào tháng 10 năm 2017, UBND tỉnh Y ra quyết định chấp thuận dự án Đầu tư xây dựng kho cảng tổng hợp Petro với quy mô dự án 83.000 m2. Vậy bản chất hai dự án này là một, dự án Xây dựng kho cảng tổng hợp Petro là dự án kinh doanh thương mại thuận túy - phục vụ lợi ích của Doanh nghiệp. Cái tên dự án đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa chỉ nhằm mục đích che mắt người dân rằng đây là dự án giao thông vì lợi ích quốc gia công cộng thuộc trường hợp nhà nước được thu hồi đất.

  1. Trong quá trình thu hồi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án mà có khiếu nại thì giải quyết thế nào.

Khoản 6 Điều 17, nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về giải quyết khiếu kiện phát sinh từ việc cưỡng chế thu hồi đất như sau:
6. Người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có).
Đối với trường hợp việc thu hồi đất có liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác trong việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật khác có liên quan thì Nhà nước tiến hành thu hồi đất, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định mà không phải chờ cho đến khi giải quyết xong quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng đất giữa người có đất thu hồi và tổ chức, cá nhân đó theo quy định của pháp luật có liên quan.”

Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của Chúng tôi dựa trên thông tin bạn cung cấp. Ý kiến tư vấn chỉ có giá trị tham khảo. Vì vậy, để đánh giá vấn đề pháp lý một cách toàn diện với từng hồ sơ vụ việc cụ thể , quý khách hàng vui lòng liên hệ với Chúng tôi.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ĐẠI AN PHÁT
Số điện thoại: 024.39.184.888/0973.509.636/0989.422.798
Email: luatdaianphat@gmail.com  
Trân trọng!
 

Gửi yêu cầu dịch vụ
Đăng ký dịch vụ ngay